Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý dễ gây nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Có nhiều tác nhân gây bệnh tim mạch mà hầu hết người bệnh thường bỏ qua như:
Tác nhân gây bệnh tim mạch không nên bỏ qua
Uống ít nước
Qua khảo sát 20.000 người khỏe mạnh (cả nam và nữ), các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Loma Linda ở bang California (Mỹ) nhận thấy những người uống hơn 5 ly nước mỗi ngày ít có nguy cơ bị đau tim hoặc mắc bệnh tim mạch so với những người uống ít hơn 2 ly nước mỗi ngày.
Các chuyên gia Mỹ tin rằng tình trạng thiếu nước góp phần làm đặc lượng máu lưu thông trong cơ thể, qua đó làm tăng nguy cơ đau tim.
Ngủ sau nửa đêm
Thức khuya dễ khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng cùng với thói quen ăn đêm dễ khiến bạn mắc bệnh tim mạch.
Các chuyên gia thuộc Bệnh viện Misao ở Gifu (Nhật Bản) phát hiện những người ngủ muộn thường bị căng thẳng tinh thần và thức khuya hơn để uống rượu, hút thuốc hoặc ăn những loại thực phẩm nhiều đường và chất béo dễ gặp những vấn đề về tim mạch nhiều hơn những người ngủ đúng giờ. Tất cả những thứ này đều có thể gây nên bệnh tim mạch.
Tình dục thiếu an toàn
Tình dục không an toàn dễ gây các bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim mạch.
Chlamydia, một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến ở cả nam lẫn nữ, có thể gây bệnh tim mạch. Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Ontario và Đại học Toronto (Canada) phát hiện vi khuẩn này có thể làm rối loạn hệ miễn dịch, gây viêm nhiễm cho tim và dẫn đến tình trạng xơ cứng động mạch, tác nhân gây đau tim. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể đóng vai trò quan trọng gây bệnh tim mạch và ung thư.
Mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm dễ khiến phụ nữ mắc bệnh tim mạch do nội tiết tố nữ có tác dụng bảo vệ tim.
Theo các chuyên gia thuộc Đại học Alabama (Mỹ), phụ nữ mãn kinh sớm đối mặt với nguy cơ đau tim khi về già cao gấp 2 lần so với phụ nữ bình thường. Nghiên cứu trên 2.500 phụ nữ mãn kinh trước năm 50 tuổi cho thấy họ dễ mắc bệnh tim hơn. Nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng là do nội tiết tố sinh dục nữ (oestrogen) có tác dụng bảo vệ tim, hàm lượng oestrogen giảm dần sau khi mãn kinh.
Không tiêm ngừa cúm
Theo tiến sĩ David Grainger thuộc Đại học Cambridge (Anh), thường có nhiều ca đau tim hơn vào các tháng 11, 12 và tháng 1 trong năm. “Tình trạng này có thể liên quan đến sự gia tăng các ca bệnh và lây nhiễm thường xảy ra trong những tháng mùa đông, vốn làm gia tăng các chứng viêm nhiễm trong cơ thể. Nếu bạn có bệnh tim, tiêm phòng cúm có thể giúp giảm rủi ro này”, ông Grainger cho biết. Ngoài ra, thời tiết lạnh vào mùa đông khiến mạch máu co thắt lại, làm tăng huyết áp nên dễ dẫn đến đau tim.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét